BlogVNFX

Thế khó của FED khi trì hoãn giảm lãi suất

Trong khi giới đầu tư chú ý tới việc liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có hạ số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không thì FED lại có mối bận tâm riêng: nguy cơ suy thoái kinh tế.

Với giới đầu tư, câu hỏi lớn mà họ quan tâm lúc này là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ chờ đến bao giờ mới bắt tay cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, khác với giới đầu tư, mối bận tâm của FED lại là: Trì hoãn giảm lãi suất quá lâu liệu có gây ra suy thoái kinh tế hay không?

Giới chức FED không để viễn cảnh suy thoái trở thành chủ đề trung tâm trong cuộc họp tháng Ba. Nhưng nguy cơ đó sẽ đeo bám những tính toán của các nhà hoạch định chính sách trong quãng thời gian còn lại của năm 2024, buộc FED phải tính tới việc giảm lãi suất ở một thời điểm nào đó trong năm nay.

Đúng như dự đoán của các chuyên gia, kết thúc phiên họp ngày 20/3, FED vẫn giữ nguyên biên độ lãi suất 5,25-5,5%, mức cao nhất trong vòng 23 năm trở lại đây. Cùng với đó, cơ quan cũng giữ nguyên dự báo sẽ có ba đợt cắt giảm lãi suất, mỗi đợt có biên độ giảm 0,25 điểm phần trăm, trong năm nay.

Đầu tháng này, chủ tịch FED Jerome Powell đã ngầm đề cập rằng FED đang ở trong tiến trình cắt giảm lãi suất vào giữa năm, nếu dữ liệu lạm phát hàng tháng đủ để khẳng định lạm phát đang trong xu hướng giảm rõ nét. “Khi chúng ta có được sự tự tin đó, và điều đó sắp xảy ra, thì việc điều chỉnh lại mức độ thắt chặt tiền tệ là phù hợp để tránh đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái”, ông Powell phát biểu trước phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, số liệu công bố sau đó cho thấy lạm phát trong tháng Hai tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến. Câu hỏi đặt ra là: Đây là một cú tăng bất chợt và xu thế giảm đều trong 6 tháng cuối năm 2023 vẫn sẽ là chủ đạo, hay ngược lại, nó là tín hiệu cho thấy lạm phát giảm chỉ mang tính nhất thời.

Thế khó của FED khi trì hoãn giảm lãi suất

Liệu có cần phòng ngừa trước?

Dự báo về xu hướng lãi suất trong tuần này ẩn chứa sự dịch chuyển lớn hơn trong quan điểm nội bộ của các thành viên của FED, có ảnh hưởng sâu rộng hơn đối với nền kinh tế Mỹ.

Những gì đang diễn ra hiện nay khác rất nhiều so với mùa hè năm 2023 – thời điểm FED đẩy lãi suất lên mức 5,25-5,5%. Giữa năm ngoái, giới chức FED lo ngại rằng lạm phát có thể bám rễ ở ngưỡng 3% hoặc cao hơn – một điều khó có thể chấp nhận được khi Fed luôn khẳng định theo đuổi mục tiêu quanh mốc 2%. Cách duy nhất để hạ nhiệt lạm phát là tăng trưởng kinh tế suy yếu, thất nghiệp tăng – vốn là được coi là hai hệ lụy từ lãi suất cao.

Nhưng thực tế, lạm phát giảm nhanh trong bối cảnh Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định và thị trường lao động mạnh mẽ. Ách tắc trong chuỗi cung ứng được giải phóng, giúp làm giảm giá hàng hóa. Cùng lúc, dòng lao động nhập cư dồi dào cản đà tăng của tiền lương, đồng thời thúc đẩy cầu tiêu dùng.

Giới chức FED hiện không lo lắng nhiều về kịch bản lạm phát sẽ neo ở ngưỡng trên 3%. Ngay cả khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trong tháng Hai, thì chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa chuộng của FED, vẫn ở dưới ngưỡng này.

Mối lo ngại chính hiện nay của các nhà chức trách là việc phải mất nhiều thời gian hơn để đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%, do giá dịch vụ vẫn ở mức cao dai dẳng, giảm chậm. Thay vì tăng lãi suất, FED có thể chọn giải pháp trì hoãn cắt giảm.

Trong nội bộ FED, có một số quan chức cho rằng không cần giảm lãi suất khi nền kinh tế vẫn mạnh. Những người này muốn có bằng chứng rõ ràng hơn về suy giảm tăng trưởng. Họ thuộc nhóm thiểu số, nhưng ý kiến của họ lại được hỗ trợ bởi những thông số lạm phát gây thất vọng gần đây.

Trong bài phát biểu hồi tháng Hai, Chủ tịch FED chi nhánh Kansas, ông Jeffrey Schmid, nêu quan điểm không cần điều chỉnh chính sách mang tính phòng ngừa khi mà lạm phát vẫn trên mức đề ra.

Những người khác lại quan tâm nhiều hơn đến tín hiệu tổng cầu và tuyển dụng lao động suy yếu. Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng Hai là 3,9%, tăng so với mức thấp 3,4% từng ghi nhận hồi tháng 3/2023. Lịch sử cho thấy nếu tỉ lệ thất nghiệp nhích dần lên, nó sẽ leo lên mức cao ở thời điểm sau cùng của chu kỳ.

Thế khó của FED khi trì hoãn giảm lãi suất

Những quan chức này sẵn sàng cắt giảm lãi suất ngay sau khi dữ liệu lạm phát cho họ cơ hội để không để vuột mất bước đà của cái gọi là một cú “hạ cánh mềm”.

Đánh đổi quản trị rủi ro

Quyết định cuối cùng của các quan chức Fed phụ thuộc vào việc họ cho rằng vấn đề nào dễ giải quyết hơn. Đây là quá trình được gọi là “quản trị rủi ro”. Nếu tổng cầu mạnh, lạm phát cao dai dẳng hơn dự báo, FED có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất. Nhưng nếu tổng cầu và nhu cầu tuyển dụng lao động suy yếu nhanh hơn ước đoán, FED sẽ có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất, nhưng sẽ không thể nhanh ở mức đủ để ngăn chặn suy thoái.

Viễn cảnh thứ hai gây ra lo ngại ngày một lớn so với viễn cảnh thứ nhất. Bà Mary Daly, chủ tịch FED chi nhánh San Francisco, từng khẳng định rằng FED cần phải có tầm nhìn xa và bảo đảm rằng không thể để xảy ra tình trạng người tiêu dùng đánh mất việc làm để đổi lấy ổn định giá cả.

Còn theo Thống đốc FED Lisa Cook, việc tăng lãi suất lên trên 5% hồi mùa Hè năm 2023 là một dạng phản ứng đón đầu để trung hòa nguy cơ lạm phát trên mức 3%. Nguy cơ này đã giảm, nhưng chưa hẳn đã mất đi. “Khi có được niềm tin lớn hơn về giảm phát theo chiều hướng ổn định, đó sẽ là lúc cần điều chỉnh chính sách lãi suất”, bà Lisa Cook cho biết.

Ngay cả trong trường hợp bị thôi thúc ngả theo hướng cắt giảm lãi suất, giới hoạch định chính sách Mỹ vẫn cần có một bằng chứng đáng tin cậy cho thấy nền kinh tế không diễn biến xấu đi. Việc lạm phát suy giảm trở lại sẽ cung cấp bằng chứng mà FED cần. Đó là lý do tại sao dữ liệu giá tiêu dùng trong tháng Ba sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *