BlogVNFX

Đình công ở các “đại gia” ô tô Mỹ có thể lan rộng

BlogVNFX – Một cuộc đình công chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã được phát động bởi Nghiệp đoàn Công nhân ô tô Mỹ (United Auto Workers – UAW), gây ra sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất và tiềm ẩn mối nguy cho nền kinh tế nước này và khiến các ngành sản xuất liên quan gặp khó khăn.

Đình công ở các "đại gia" ô tô Mỹ có thể lan rộng

Bắt đầu từ ngày 15/9 (giờ địa phương), do không đạt được thoả thuận lao động trước thời hạn, khoảng 13.000 người thuộc UAW đã bắt đầu đình công để biểu tình.

Đây là lần đầu tiên cuộc đình công của UAW đồng thời bao trùm 3 nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ, gồm General Motors, Ford Motor và Strantis, do đó, truyền thông Mỹ mô tả đây là cuộc đình công “lịch sử” và “chưa từng có”.

Chủ tịch UAW Fein cho rằng nếu đàm phán không suôn sẻ, quy mô đình công có thể bị mở rộng hơn nữa. Ba hãng xe lớn có tổng cộng 146.000 thành viên UAW.

Stellantis cho biết đã nối lại các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng” với UAW. Một người phát ngôn của General Motors cho hay các đại diện của công ty và UAW cũng đang tiếp tục đàm phán.

Về phía mình, Chủ tịch UAW Shawn Fain cho biết nếu các công ty trên không đáp ứng yêu cầu của UAW, “chúng tôi sẽ tăng cường hành động”. Trong một thông báo ngày 18/9, ông Fain cảnh báo nhiều nhà máy nữa có thể tham gia vào làn sóng đình công này nếu các bên không đạt được “tiến triển nghiêm túc” hướng đến một thỏa thuận trước trưa 22/9. Cho đến nay, đã có 13.000 công nhân ở ba nhà máy của GM, Ford và Stellantis tham gia đình công. Tuy nhiên, chiến lược của UAW còn phụ thuộc vào khả năng mở rộng quy mô đình công một cách nhanh chóng.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô đang cảnh báo khả năng cắt giảm nhân sự, khi tình trạng đình công này đã làm giảm lượng nguyên vật liệu cần thiết tại các nhà máy vẫn hoạt động. GM ngày 18/9 cho biết 2.000 công nhân do UAW đại diện tại một nhà máy lắp ráp ở thành phố Kansas có thể bị cho thôi việc vào đầu tuần này vì thiếu nguồn cung vật liệu từ một nhà máy GM ở gần thành phố St. Louis, nơi công nhân đã đình công vào ngày 15/9.

Công ty CIE Newcor đã nói với giới chức Michigan là công ty này có thể phải đóng cửa bốn nhà máy ở bang này trong một tháng, bắt đầu từ ngày 2/10 và khiến gần 300 công nhân không có việc làm.

Trong một dấu hiệu thể hiện sự lo ngại về tác động kinh tế từ hoạt động đình công nói trên, Chính phủ Mỹ đã tăng cường các biện pháp ứng phó. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen kỳ vọng các bên sẽ sớm có giải pháp, và hiện tại còn quá sớm để đánh giá tác động của tình hình này.

Hệ lụy từ các cuộc đình công

Đình công ở các "đại gia" ô tô Mỹ có thể lan rộng

Giới chuyên gia nhận định, những cuộc đình công này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đến Mexico – quốc gia nằm trong chuỗi cung ứng chủ chốt về phụ tùng và linh kiện ô tô cho xứ cờ hoa.

Cụ thể, các bang phía Bắc Mexico giáp biên giới Mỹ, nơi tập trung dày đặc các nhà máy sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc đình công được coi là chưa từng có trong 25 năm qua của ngành ô tô Mỹ. Nếu tình trạng đình công tại Mỹ kéo dài, các công ty tại đây có thể phải sa thải đến 10% tổng số 65.000 nhân công.

Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp phụ tùng ô tô Mexico (INA) dự đoán rằng công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô của Mexico có thể chịu thiệt hại khoảng 76 triệu USD ngay trong tuần đầu tiên của của đình công. Theo tính toán của công ty tư vấn toàn cầu Anderson Economic Group (AEG), kinh tế Mỹ sẽ mất đi khoàng 5 tỷ USD sau mỗi 10 ngày đình công tại các nhà máy trên.

Một cuộc đình công toàn diện cũng sẽ làm phức tạp thêm việc hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cơ quan đang cố gắng giảm lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái.

Dưới sức ép của các công đoàn, ba hãng trên được dự báo sẽ phải tăng lương cho người lao động. Câu hỏi hiện tại là mức tăng lớn đến đâu. Hiện tại, các đề xuất của họ vẫn chưa khiến công đoàn hài lòng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *