BlogVNFX

Bầu cử Mỹ: Cuộc tái đấu về chính sách kinh tế

Kinh tế hiện là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ trước cuộc bỏ phiếu lựa chọn ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ kế tiếp. Vậy, các cam kết kinh tế mà hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump đưa ra có gì khác nhau?

Bầu cử Mỹ: Cuộc tái đấu về chính sách kinh tế

Sau cuộc bầu cử sơ bộ tại 15 bang ngày Siêu Thứ Ba (5/3), gần như chắc chắn tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump sẽ tái đấu với nhau trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Kết quả cuộc đua này có thể có tác động lớn đến nền kinh tế cũng như ngân sách các hộ gia đình Mỹ. Dưới đây là một số vấn đề chính cần chú ý

Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế

Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế (TCJA) được ban hành năm 2017 dưới thời cựu tổng thống Trump sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Vì thế, ngay khi vừa nhận chức, vị tân tổng thống sẽ phải đưa ra quyết định cho hàng loạt chính sách thuế sửa đổi này. Ví dụ: mức thuế suất cận biên cao nhất đối với người có thu nhập cao sẽ tăng từ 37% lên 39,6%. Khoản khấu trừ tiêu chuẩn – số tiền thu nhập không được tính vào thuế liên bang – sẽ bị cắt giảm khoảng một nửa. Đối với một cá nhân, tiền thuế sẽ trở lại mức 6.500 USD và sau đó được điều chỉnh theo lạm phát, giảm từ mức 14.600 USD trong mùa tính thuế trước.

Tổng thống Biden đang kêu gọi bãi bỏ đạo luật TCJA để giảm thâm hụt ngân sách, khôi phục mức thuế suất cận biên cao nhất, cũng như áp đặt các loại thuế mới đối với các tỷ phú và những người kiếm được hơn 1 triệu USD mỗi năm.

Về phần mình, ông Trump tiếp tục ca ngợi những lợi ích kinh tế mà TCJA mang lại, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thực hiện việc cắt giảm thuế nếu giành được chiếc ghế tổng thống. Chiến thắng của ông Trump, đặc biệt nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Quốc hội, sẽ khiến xác suất đạo luật TCJA được gia hạn tăng lên.

Bầu cử Mỹ: Cuộc tái đấu về chính sách kinh tế

Xóa nợ sinh viên

Hàng trăm nghìn sinh viên Mỹ đang phải gánh trên lưng khoản vay nhằm chi trả cho giáo dục là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những chính sách khác biệt giữa hai ứng cử viên tổng thống. Nếu như ông Biden ủng hộ việc xóa nợ cho sinh viên thì ông Trump lại quyết liệt phản đối chính sách này.

Ông Biden không chỉ đề xuất xóa khoản nợ sinh viên lên tới 20.000 USD/người cho tất cả những người  vay có thu nhập thấp – một sáng kiến đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ vào mùa hè năm ngoái – mà còn thay đổi các quy tắc về cách thức hoạt động của các chương trình xóa nợ cho sinh viên. Tới thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ đã xóa khoản nợ sinh viên trị giá khoảng 138 tỷ USD cho gần 3,9 triệu người.

Trong khi đó, ông Trump lại có cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược. Tại thời điểm Tòa án Tối cao bác bỏ sáng kiến xóa nợ do tổng thống Biden đề xuất vào năm ngoái, ông Trump đã ca ngợi phán quyết này và nói rằng việc xóa nợ là không công bằng đối với những người đã trả hết khoản vay của họ

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, Bộ Giáo dục Mỹ đã cực lực chống lại nỗ lực của những người muốn giải quyết các khoản nợ sinh viên dựa vào các quy tắc “bảo vệ người đi vay”. Quy tắc này cho phép mọi người tìm cách được xóa nợ nếu họ bị các trường mà họ theo học lừa dối.

Chiến dịch chống lại “phí rác” của ông Biden

Kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu cuộc chiến chống lại “phí rác” của chính quyền Biden có tiếp tục hay không. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Biden đã đấu tranh để buộc các doanh nghiệp loại bỏ những khoản phí không cần thiết đối với khách hàng, đặc biệt là đối với các sản phẩm tài chính. Mới đây, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) đã áp đặt mức giới hạn 8 USD đối với phí trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình là 32 USD hiện nay. Cơ quan này cũng đề xuất hạn chế các ngân hàng tính phí thấu chi đối với những khách hàng tiêu nhiều tiền hơn số dư trong tài khoản của họ.

Dưới thời cựu tổng thống Trump, CFPB – cơ quan giám sát người tiêu dùng của chính phủ – đã thực hiện một cách tiếp cận thân thiện hơn với doanh nghiệp, dỡ bỏ các hạn chế dưới thời Obama đối với việc cho vay ngắn hạn và khá “nhẹ tay” với các ngân hàng.

Bầu cử Mỹ: Cuộc tái đấu về chính sách kinh tế

Bức tranh kinh tế tổng thể

Tất cả những chính sách này cùng với một loại chính sách khác sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ nói chung. Nhìn chung, chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa sẽ khiến giúp các doanh nghiệp cũng như những người có thu nhập cao được hưởng mức thuế thấp hơn, trong khi chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ sẽ dẫn tới điều ngược lại.

Đáng chú ý, cuộc bầu cử có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế ngay cả trước khi nó diễn ra. Nhà kinh tế trưởng Ryan Sweet tại Oxford Economics cho biết, nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng xung đột đảng phái có xu hướng gia tăng trong những năm diễn ra bầu cử tổng thống. Trong lịch sử, tình trạng xung đột này thường dẫn đến sự bế tắc của các cơ quan lập pháp. Kết quả là, nó gây những tác động nhỏ nhưng đáng chú ý đến tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng khiến tăng trưởng suy yếu trong dài hạn.

“Ban đầu, xung đột chính trị có thể khiến GDP hàng tháng tăng lên do một số người tin rằng tình trạng bế tắc chính sách là tốt cho việc ổn định chính sách tài khóa. Nhưng theo thời gian, nó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi sự cò kè mặc cả xung quanh các đạo luật “phải thông qua” khiến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều lo lắng,” ông Sweet nhận định.

BlogVNFX chuyên phân tích tổng quan khi giao dịch trên thị trường tài chính cũng như đặt mục tiêu chia sẻ, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm có giá trị cho nhà đầu tư.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *