BlogVNFX

Thị trường IPO sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như thế nào?

BlogVNFX – Thị trường chứng khoán có thể coi là một bức tranh đại diện cho tình hình tài chính, cũng như tình hình chung của nền kinh tế một quốc gia. Xét từ góc nhìn đó, một thị trường với sự bùng nổ của các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ là minh chứng trực tiếp và rõ ràng nhất, cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh trong tương lai.

Thị trường IPO

Doanh nghiệp thường sẽ tìm cách tiếp cận với thị trường vốn lớn hơn khi chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và theo lý thuyết, là tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới.

Sau khi sụt giảm về khối lượng và giá trị giao dịch hàng năm từ năm 2014 đến năm 2016, thị trường IPO của Mỹ đã trở lại mức trước năm 2015 vào năm 2017. Bất chấp cả đại dịch COVID-19, thị trường IPO vẫn tiếp tục tạo đà cho đến năm 2021, một năm phá kỷ lục đối với khối lượng IPO, phần lớn được thúc đẩy bởi các đợt chào bán ra công chúng, thông qua công cụ công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), cũng như số lượng đợt chào bán ngày càng tăng của các công ty điều hành.

Mặc dù hoạt động IPO có biến động đáng kể trong những năm qua, nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng, thị trường chứng khoán đóng vai trò trung tâm trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế đáng kể ở Mỹ.

Những lợi ích khi tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường đại chúng đã có lịch sử ít nhất là từ năm 1602, khi Công ty Đông Ấn Hà Lan được thành lập với tư cách là công ty cổ đông. Cơ cấu nhà đầu tư đa dạng này cho phép rủi ro của các chuyến tàu giao thương giữa châu Âu và châu Á được phân bổ qua nhiều tổ chức thương mại.

Các nhà sử học chưa thống nhất về thời điểm thị trường chứng khoán đầu tiên bắt đầu ở Mỹ; tuy nhiên, ít nhất theo một chuyên gia, các giao dịch chứng khoán đã diễn ra sớm nhất ở New York là vào năm 1725. Vào thời điểm đó, một số lượng nhỏ giao dịch chứng khoán được thực hiện trung gian bởi các nhà đấu giá, những người chủ yếu tiến hành đấu giá các mặt hàng lưu thông qua cảng của New York.

Mặc dù hình thức trung gian này chưa được quy củ vào thời kỳ đầu, nhưng một quy trình chính thức hơn đã bắt đầu xuất hiện với Thỏa thuận Buttonwood Tree vào năm 1792, trong đó 24 nhà môi giới chứng khoán đã thống nhất về các điều khoản giao dịch chung. Tổ chức này có thể coi là nền tảng của Sở Giao dịch Chứng khoán New York ngày nay.

Các thỏa thuận này đã tạo ra một cơ chế trật tự, hỗ trợ giai đoạn tăng trưởng kinh tế đã diễn ra tại Mỹ trong những năm 1800. Nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải là động cơ tăng trưởng chính, trong khi việc Sở Giao dịch Chứng khoán New York cấp phép cho hàng chục công ty hình thành và phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế.

Thị trường IPO

Khung pháp lý mới được hình thành

Bất chấp tầm quan trọng ngày càng tăng của Sở Giao dịch Chứng khoán New York và những lời chỉ trích công khai vào đầu những năm 1900 về việc cơ quan này chưa áp dụng cơ chế tự điều chỉnh nghiêm ngặt hơn, mãi đến những năm 1930 mới có sự giám sát nhất định từ cơ quan này. Ngay cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 1907 cũng tập trung sự chú ý vào hệ thống ngân hàng hơn là thị trường vốn, và lên đến đỉnh điểm là Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1912 và sự ra đời của hệ thống ngân hàng trung ương ở Mỹ.

Thị trường chứng khoán tiếp tục đổi mới với sự giám sát tối thiểu của Chính phủ. Vào năm 1924, Massachusetts Investor Trust, được cho là quỹ tương hỗ hiện đại đầu tiên có cơ cấu vốn hóa mở, đã được thành lập. Giống như Công ty Đông Ấn Hà Lan trước đó, cơ cấu này phân tán rủi ro tài chính trong một nhóm các nhà đầu tư đa dạng, và lần đầu tiên mang đến cho những nhà đầu tư nhỏ hơn khả năng tiếp cận thị trường chứng khoán.

Chính sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 và sự khởi đầu của cuộc Đại Suy thoái đã thúc đẩy một cuộc điều tra và rà soát chi tiết hơn về thị trường chứng khoán, cũng như vai trò của Sở Giao dịch Chứng khoán New York.

Việc thông qua Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 đã tạo ra nền tảng cho cơ cấu quản lý mà chúng ta biết đến ngày nay. Điều quan trọng là sau này, Mỹ đã trải qua thời kỳ bùng nổ sau chiến tranh với sự tăng trưởng và phát triển của các ngành công nghiệp mới. Cơ cấu quản lý vững chắc hơn đã chứng kiến sự tham gia lớn hơn của công chúng vào thị trường, củng cố lợi thế của việc phát hành cổ phiếu đại chúng và giúp các công ty tiếp cận được ngày càng nhiều nhà đầu tư.

Thị trường IPO mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như thế nào?

Trọng tâm vào hoạt động hình thành vốn đầu tư

Lịch sử rõ ràng đã góp phần chứng minh cho việc một thị trường IPO mạnh mẽ sẽ đi đôi với môi trường kinh tế phát triển tốt. Với mức tăng trưởng kinh tế tương đối thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009, kết hợp với sự sụt giảm trong hoạt động IPO và sự chuyển hướng của dòng vốn quốc tế ra khỏi thị trường Mỹ, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người đặt câu hỏi liệu cơ cấu quản lý của Mỹ đã hỗ trợ đúng cách cho việc hình thành vốn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, với tùy chọn cung cấp khả năng tiếp cận hiệu quả tới các nguồn vốn, đồng thời có thể duy trì sự bảo vệ cho nhà đầu tư.

Do đó, sự tập trung cao độ vào hoạt động hình thành vốn đã bắt đầu vào tháng 3 năm 2011, khi Bộ Tài chính Mỹ triệu tập Hội nghị Tiếp cận Vốn để tập hợp các nhà hoạch định chính sách, học giả và người tham gia thị trường, thảo luận về cách khôi phục khả năng tiếp cận vốn – đặc biệt là đối với các công ty nhỏ, còn đang trên đà tăng trưởng.

Sau hội nghị, IPO Task Force, bao gồm một nhóm chuyên gia đa dạng, được thành lập để đưa ra các khuyến nghị cụ thể, nhằm khôi phục khả năng tiếp cận hiệu quả vào thị trường đại chúng.

Trong ấn phẩm có tiêu đề Rebuilding the IPO On-Ramp: Putting Emerging Companies and the Job Market Back on the Road to Growth (tạm dịch: Tái xây dựng mạnh mẽ IPO: Đưa các công ty mới nổi và thị trường việc làm trở lại con đường tăng trưởng), nhóm này đã kết luận rằng, cơ cấu quản lý của Mỹ tập trung quá mức vào các rủi ro từ những công ty lớn, đề xuất rằng các nghĩa vụ pháp lý phải áp dụng dựa trên quy mô công ty.

IPO Task Force cũng công nhận rằng khung quy định sẽ hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn hiệu quả ở từng giai đoạn trong chu kỳ tăng trưởng của công ty, từ khởi nghiệp đến IPO, cũng như trên cả thị trường tư nhân và đại chúng.

thị trường IPO mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như thế nào?

Đạo luật JOBS và các đạo luật khác

Đạo luật Khởi động với Doanh nghiệp Khởi nghiệp của Chúng ta (hay Đạo luật JOBS) đã được Tổng thống Barack Obama ký thành luật vào ngày 5 tháng 4 năm 2012 và tìm cách thực hiện nhiều khuyến nghị của IPO Task Force.

Đạo luật JOBS giúp giảm bớt gánh nặng pháp lý lên “các công ty tăng trưởng mới nổi”. Với Quy định A nâng cao cho những đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng nhỏ và phát triển cơ cấu quản lý cho hoạt động huy động vốn từ cộng đồng. Mặc dù tác động thực sự của Đạo luật JOBS vẫn còn đang được tranh luận, nhưng thị trường nói chung vẫn tiếp tục đánh giá thêm về mức độ cân bằng giữa cơ cấu quy định với các mục tiêu đảm bảo sự bảo vệ hợp lý cho nhà đầu tư và thúc đẩy hình thành vốn cho các công ty thuộc mọi quy mô.

Các cuộc thảo luận về hình thành vốn gần đây nhằm tìm cách xây dựng Đạo luật JOBS và một số dự luật đã được ban hành, như một phần của những cuộc đàm phán lớn hơn. Điển hình như Đạo luật FAST (Fixing America’s Surface Transportation Act) vào tháng 12 năm 2015, cũng như các dự luật đang được đề xuất như Đạo luật JOBS và Niềm tin của nhà đầu tư năm 2018 (Đạo luật JOBS 3.0).

Nỗ lực lớn nhất nhằm hiện đại hóa các khung quy định trên thị trường sơ cấp là khi SEC ban hành Cải cách Chào bán Chứng khoán (Securities Offering Reform) vào năm 2005, giúp giảm đáng kể gánh nặng về quy trình đăng ký, liên lạc và chào bán cho các công ty.

Tuy nhiên, mối quan tâm về những vấn đề hình thành vốn, cùng với mong muốn thiết lập một loạt ưu tiên và khuyến nghị vẫn gia tăng, đã dẫn đến sự thay đổi liên tục về quy định, bao gồm cập nhật và đơn giản hóa yêu cầu công bố thông tin theo Đạo luật FAST14 và sửa đổi khung pháp lý về chào bán cổ phiếu ra công chúng. Điều này giúp tạo điều kiện để các tổ chức phát hành đánh giá sự quan tâm của thị trường đối với những đợt IPO dự kiến sẽ diễn ra.

Đồng thời, nhiều công ty tiếp tục hoạt động ở thể thức tư nhân lâu hơn và ngày càng dựa vào việc huy động nguồn vốn đáng kể vào giai đoạn cuối. Những người tham gia thị trường và các nhà hoạch định chính sách tiếp tục tìm cách khai thác tiềm năng tiềm ẩn, cho phép dòng vốn dễ dàng chảy vào các ý tưởng, phát kiến đổi mới và mạo hiểm tốt nhất. Đồng thời giúp mang lại cơ hội đầu tư mở rộng cho các nhà đầu tư cá nhân, trong khi vẫn duy trì sự bảo vệ nhà đầu tư.

Ủy ban Cố vấn về các Công ty Nhỏ và Mới nổi của SEC thường xuyên quan tâm đến những vấn đề này. Vào tháng 11 năm 2020, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã sửa đổi các quy tắc để hoạt động chào bán chứng khoán được miễn yêu cầu đăng ký mua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư cá nhân. Các bản sửa đổi, cùng với những nội dung khác, đã tăng giới hạn cung cấp đối với một số dịch vụ được miễn trừ nhất định và hài hòa hóa yêu cầu về tính đủ điều kiện và tiết lộ nhất định.

Ngoài ra, trong khi các cuộc thảo luận về hình thành vốn có xu hướng tập trung vào thị trường sơ cấp và yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức phát hành, vẫn tiếp tục có cuộc tranh luận đáng kể về cách cải thiện cấu trúc thị trường thứ cấp, nhằm giải quyết những thay đổi về công nghệ, hành vi của nhà đầu tư và một loạt yếu tố khác.

Thị trường thứ cấp có tính thanh khoản cao sẽ hỗ trợ thị trường sơ cấp phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy cấu trúc thị trường, làm nền tảng cho một nền kinh tế cạnh tranh và lành mạnh.

Thị trường chứng khoán Mỹ là thị trường lớn nhất nếu tính theo vốn hóa thị trường, và có thể coi là vẫn đang duy trì vị thế thống trị đáng ganh tị. Tuy nhiên, môi trường kinh tế toàn cầu vẫn đang thay đổi nhanh chóng, điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng và chính sách chủ động hơn.

Nhìn về tương lai

Có thể nói, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gặp thách thức trong việc hiện đại hóa, khi mà công nghệ vẫn đang tiến bộ nhanh chóng, vai trò của các bên trung gian đang thay đổi và xu thế toàn cầu hóa ngày càng gia tăng.

Theo đó, một số xu hướng thị trường và tác động tiềm tàng của chúng cũng cần được xem xét. Sự gia tăng của đầu tư thụ động và các lựa chọn đầu tư có chi phí thấp hơn vẫn còn đó. Đồng thời, hoạt động đầu tư chủ động lại gia tăng và cơ cấu cổ phần hai tầng đã xuất hiện, cho phép những người sáng lập giữ quyền biểu quyết.

Các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang trở thành một phần quan trọng đối với hầu hết những quyết định đầu tư. Trong khi sự chú ý nhiều hơn đến hoạt động quản trị, cũng như quyền hạn và vai trò của phiếu bầu ủy quyền đang ngày càng tác động đến quyết định của ban giám đốc và đội ngũ quản lý, cùng với định hướng đóng góp cho xã hội và môi trường của các công ty.

Để thị trường IPO hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai, cần phải đánh giá khung quy định chứng khoán cho cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Điều này nhằm tạo ra cơ cấu thị trường với điều kiện thuận lợi hơn cho việc hình thành vốn ở cả hiện tại và trong tương lai. Về vấn đề đó, các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cần tiếp tục xem xét cách huy động nguồn lực tốt nhất, để dự đoán nhu cầu của một nền kinh tế đang thay đổi thông qua hiện đại hóa chủ động.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *