BlogVNFX

Bản tin Forex 21/03/2024

Cùng BlogVNFX cập nhật Bản tin Forex hôm nay. EUR/USD quay đầu sụt giảm, đánh mất đà tăng đạt được trước đó, sau khi Eurozone và Đức công bố các dữ liệu sản xuất yếu hơn dự kiến.

  • EUR/USD sụt giảm sau khi báo cáo PMI của Đức và Eurozone cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất.
  • Diễn biến này đã xóa bỏ phần nào đà tăng cặp tỷ giá đạt được sau khi đồng USD suy yếu do động thái ôn hòa của FED.
  • FED đã giữ nguyên dự báo đưa ra hồi tháng 12 về việc sẽ thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % trong năm 2024.

Bản tin Forex 21/03/2024

EUR/USD đang giảm hơn 0,1% xuống dưới mức 1,0900 trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi dữ liệu Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho thấy lĩnh vực sản xuất ở Đức nói riêng và Eurozone nói chung sụt giảm mạnh hơn dự báo, dù rằng lĩnh vực dịch vụ có sự cải thiện.

Động thái này đã xóa bỏ phần nào mức tăng mà cặp tỷ giá đạt được sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời duy trì kỳ vọng về việc sẽ thực hiện ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

EUR/USD quay đầu giảm sau dữ liệu PMI sản xuất

EUR/USD đã giảm từ khu vực 1,0950 xuống dưới mức 1,0900, sau khi Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB) công bố báo cáo PMI, cho thấy bức tranh không cân xứng về tăng trưởng tại Eurozone. Mặc dù chỉ số PMI tổng hợp của tháng 3 tăng lên 49,9 – cao hơn mức dự báo 49,7 và mức 49,2 trong tháng 2, nhưng sự sụt giảm mạnh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất đã ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế.

Chỉ số PMI sản xuất HCOB đã giảm từ mức 46,5 trong tháng 2 xuống 45,7 trong tháng 3, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 47,0 và ngày càng lún sâu vào vùng biểu thị sự thu hẹp hoạt động (ở dưới ngưỡng 50).

Theo dữ liệu từ S&P Global, chỉ số PMI dịch vụ HCOB của Eurozone đã tăng từ mức 50,2 trong tháng 2 lên 51,1 trong tháng 3, vượt mức dự báo 50,5.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cũng ghi nhận xu hướng tương tự, với chỉ số PMI sản xuất HCOB giảm từ 42,5 trong tháng 2 xuống 41,6 trong tháng 3, thấp hơn mức dự báo 43,1. Tuy vậy, chỉ số PMI dịch vụ và tổng hợp của Đức lại ghi nhận kết quả cao hơn dự kiến.

Theo nhà phân tích cấp cao Dhwani Mehta tại FXStreet, sự sụt giảm của đồng euro sau khi dữ liệu được công bố, chủ yếu là bởi hoạt động sản xuất suy giảm sâu hơn tại Đức và Eurozone.

FED duy trì nguyên trạng chính sách

Tại cuộc họp chính sách kết thúc hôm thứ Tư, FED đã giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở phạm vi 5,25% – 5,50%, đúng như kỳ vọng của thị trường. Trong bản Tóm tắt các dự báo kinh tế (SEP) được công bố ngay sau cuộc họp, FED tiếp tục dự đoán lãi suất sẽ giảm xuống mức mục tiêu trung bình là 4,6% vào cuối năm 2024, tương tự như dự báo đưa ra hồi tháng 12.

Điều này đồng nghĩa với việc FED kỳ vọng sẽ thực hiện khoảng ba lần cắt giảm lãi suất ở mức 0,25 điểm % trong năm nay, mặc dù một số người tham gia thị trường đã suy đoán rằng, FED có thể giảm số đợt hạ lãi suất xuống còn hai lần, do lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn dự kiến.

Tuy vậy, FED cũng phát đi tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025, với dự báo lãi suất sẽ giảm xuống mức trung bình 3,9%, thay vì 3,6% như trong dự báo đưa ra hồi tháng 12.

FED cũng điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay lên 2,1% – cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra hồi tháng 12. Đây được nhiều người coi là dấu hiệu của một cuộc “hạ cánh mềm”.

Thước đo lạm phát ưa thích của FED – Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi trong cả năm 2024, đã được điều chỉnh nâng từ mức 2,4% trong dự báo hồi tháng 12, lên 2,6%.

Trong buổi họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch FED Jerome Powell đã đánh giá thấp ảnh hưởng từ các số liệu lạm phát nóng hơn dự kiến trong thời gian gần đây, và cho biết, chỉ dữ liệu của hai tháng là không đủ để ngăn cản lộ trình chính sách của FED.

Động thái của giới chức FED bị đánh giá là ôn hòa, đã dẫn đến việc đồng USD bị bán tháo, rời khỏi vùng mua quá mức. Cặp EUR/USD, đo lường sức mua của 1 đồng euro (EUR) so với 1 đồng đô la Mỹ (USD), đã phục hồi trở lại khu vực quen thuộc.

Phân tích kỹ thuật: EUR/USD quay trở lại khu vực 1,0900

EUR/USD đã nhanh chóng đảo chiều ở quanh Đường trung bình động đơn giản (SMA) 200 ngày ở ngưỡng 1,0830, và tăng cao hơn sau cuộc họp của FED. Tuy nhiên, bước sang ngày thứ Năm, cặp tỷ giá đã sụt giảm sau các dữ liệu sản xuất yếu kém của Eurozone.

Hiện tại, cặp tiền đang giao dịch ở dưới mức 1,0900 và có vẻ như chỉ dao động trong một phạm vi hẹp, không thể hiện xu hướng tăng giảm rõ ràng.

Tuy nhiên, sự đảo chiều ở mức đáy của phiên ngày thứ Tư, tiếp tục cho thấy động lực của cặp tỷ giá. Nếu tăng cao hơn, EUR/USD sẽ có thể đối mặt với ngưỡng kháng cự ở mức 1,0964 – mức đỉnh của hôm 13/3. Nếu đột phá lên trên ngưỡng này, cặp tỷ giá sẽ tiếp tục hướng tới mức đỉnh hôm 8/3 ở ngưỡng 1,0981. Một sự đột phá tiếp theo qua mốc 1,0981 sẽ khiến cặp tiền có triển vọng tăng giá trở lại.

Mặt khác, động thái tăng giá có thể chậm dần, và tỷ giá sẽ có xu hướng giảm xuống đường SMA 50 ngày ở khu vực 1,0840, trước khi quay trở lại đường SMA 200 ngày ở khu vực 1,0830.

Theo dõi chiến lược cụ thể trên Zalo : BlogVNFX

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *