BlogVNFX

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều

Trong phiên đầu tuần, các chỉ số chính biến động trái chiều, khi nhà đầu tư cân nhắc nhiều dữ liệu kinh tế chứng khoán Mỹ yếu hơn dự kiến.
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều

Chốt phiên 3/6, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 38.571,03 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên 5.283,40 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,6% lên 16.828,67 điểm.

Các cổ phiếu mang tính chu kỳ có vận may gắn liền với tăng trưởng kinh tế đều suy giảm, với các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và nguyên vật liệu chốt phiên trong sắc đỏ.

Chỉ số đo lường “sức khoẻ” của khu vực chế tạo của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đứng ở mức 48,7% trong tháng 5, ghi dấu hoạt động sản xuất giảm tháng thứ hai liên tiếp. Con số này cũng thấp hơn dự báo của thị trường.

Ông Kurt Spieler, Giám đốc đầu tư của ngân hàng First National Bank of Omaha, cho rằng số liệu trên là một dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang chậm lại. Tuy nhiên, thị trường vẫn cho thấy khả năng phục hồi với tâm lý lạc quan rằng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ “hạ cánh mềm”.

Trong phiên này, giá cổ phiếu Nvidia tăng 4,9% sau khi “gã khổng lồ” trong lĩnh vực sản xuất chip này công bố các sản phẩm mới và kế hoạch đẩy nhanh tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Cổ phiếu của các công ty có vốn hóa lớn khác, bao gồm Apple, Amazon, Alphabet và Meta đóng cửa ở mức cao hơn. Cổ phiếu của Microsoft và Tesla chốt phiên ở mức thấp hơn.

Một vấn đề kỹ thuật tại Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã khiến giao dịch ở ít nhất 60 cổ phiếu bị tạm dừng vào đầu phiên 3/6, nhưng giao dịch đã trở lại bình thường vào khoảng giữa phiên sau khi sự cố này được khắc phục.

Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều đã tăng ấn tượng trong tháng 5. Hầu hết các nhóm ngành chính trong S&P 500 đều đi lên, dẫn đầu là nhóm năng lượng với mức tăng 2,5%. Ngược lại, nhóm công nghệ đóng cửa giảm nhẹ.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 574,84 điểm (1,51%), lên 38.686,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,03 điểm (0,80%) lên 5.277,51 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,06 điểm (0,01%) xuống 16.735,02 điểm.

Tính chung cả tháng 5, S&P 500 tăng khoảng 4,8%, Nasdaq tăng vọt 6,9% và Dow Jones tăng 2,4%.

Chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) chậm lại so với tháng trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023, đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Cơ quan phân tích số liệu kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số PCE của nước này đã tăng với tốc độ 2,7% trong tháng 4/2024, bằng với tháng 3 và phù hợp với dự báo của các nhà phân tích.

Số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sau khi điều chỉnh được công bố ngày 30/5 cũng cho thấy mức tăng chi tiêu tiêu dùng giảm xuống còn 2,0% trong quý I/2024, từ mức 3,3% trong quý IV/2023. Tình hình chi tiêu tiêu dùng ảm đạm này là yếu tố vừa có thể hỗ trợ nỗ lực ứng phó lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng cũng gây ra sự lo ngại nếu nền kinh tế hạ nhiệt quá nhanh.

Các nhà phân tích cho rằng Fed vẫn khó có thể đưa ra quyết định dựa trên một loạt dữ liệu. Một số nhà hoạch định chính sách cảnh báo Fed cần thận trọng về việc cắt giảm lãi suất quá sớm.

Thị trường chứng khoán Mỹ đang hướng sự chú ý vào báo cáo việc làm của Mỹ dự kiến công bố ngày 7/6. Các quan chức Fed cho rằng sự nới lỏng trên thị trường lao động là yếu tố quan trọng để họ cảm thấy đủ tự tin khi đưa ra quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chuyên gia Naomi Fink của công ty quản lý tài sản Nikko Asset Management nhận định nếu lạm phát giảm dần, đây sẽ tin tốt đối với thị trường toàn cầu. Trong khi đó, bà Solita Marcelli thuộc UBS Group cho rằng nếu các số liệu tiếp tục củng cố kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm, Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách vào cuối năm nay, có thể là tại cuộc họp vào tháng 9.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *